Chữa bệnh bằng Cây Mái Dầm

Cây Mái Dầm(Cryptocoryne ciliata) thuộc họ ráy mọc hoang ở những bãi bùn ngập nước dọc bờ kênh ở vùng nước lợ. Cây có rễ và thân ngầm ngập dưới bùn, chỉ có cuống lá và lá vượt lên trên khỏi mặt bùn nước, mọc thẳng đứng.

Cây Mái dầm
Cây có cuống lá hình trụ, đường kính 1-1.5cm, dài 20-30cm xốp như cuống lá Dọc Mùng(còn gọi là Môn Bạc Hà). Lá Mái Dầm có hình mác rộng 8-10cm, dài 30cm, bìa liền, phiến lá trơn bóng, đáy hơi tròn, đầu nhọn. Phát loa giữa lá, mo thon, đo đỏ, bìa có rìa dài, ống dài 15-17cm, phù ở đáy. Buồng nhỏ có nhiều trái nang, hột dài 8mm, mọc hoang, có đám rộng 50-100 mét vuông.
Thân cây Mái dầm

Công dụng của cây Mái Dầm

Mái Dầm dùng làm món ăn

Cuống lá tươi được tước vỏ như cây Dọc Mùng rồi xào hoặc nấu canh chua.

Mái dầm dùng làm thuốc chữa bệnh

Bộ phận cây Mái Dầm dùng làm thuốc là thân ngầm màu trắng, hình trụ dẹt được dùng tươi hoặc khô, dạng nấu sắc làm thuốc uống có tác dụng mạnh gân xương, hoạt huyết, giảm đau, trừ phong thấp, lợi tiểu nhẹ.

Cách chế biến thuốc từ cây Mái Dầm

Để chữa phong thấp, lấy thân ngầm phơi khô để dùng dần, mỗi ngày 50gr nấu chung với với một số vị thuốc phong thấp như Thiên Niên Kiện, Cốt toái bổ, cành Dâu tằm.
Thân ngầm khô 50gr nấu uống làm giảm huyết áp cao, giảm đường huyết trong bệnh đái tháo đường.
Nếu muốn lợi tiểu thì lấy 100gr thân ngầm tươi nấu uống.
(Bs. Huỳnh Ngọc Tựng - Khoa Học Phổ Thông)